Tuesday, May 12, 2009

Nhà văn Mặc Giao: Xây dựng lại Quê Hương

-- Nếu chúng ta không ý thức được nguy cơ của đất nước và nỗi thống khổ của đồng bào thì sẽ không còn nước Việt Nam nữa, không còn dân tộc Việt Nam nữa.

-- 30 tháng 4 tương lai sẽ không còn là những kỷ niệm đau buồn, nhưng là kỷ niệm đánh dấu một bước đấu tranh tích cực để chấm dứt một chế độ đã gây bao hệ lụy và tang tóc cho dân và nước Việt Nam suốt 60 năm qua.

-- Kỷ niệm 30-4 là dịp để nhắc nhở nhau rằng từ ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, toàn thể đất nước và dân tộc Việt nam đã bị đặt dưới một chế độ cai trị tệ hại chưa từng có trong lịch sử dân tộc

-- Những người cầm quyền coi trọng quyền lợi của họ hơn quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Trong trường hợp này không còn chữ nào đúng hơn để gọi việc làm của họ ngoài câu "mãi quốc cầu vinh"..... - (Mặc Giao)

 (Quý vị bấm nghe tiếp âm thanh)

 

 

Để yểm trợ đồng bào quốc nội đấu tranh cứu nước, để đánh dấu ngày 30-4-1975 miền Nam rơi vào chế độ cộng sản tàn bạo, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển đến quý vị và các bạn ở quốc nội một số AUDIO chọn lọc từ Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản ở Hải Ngoại, nhận địnhtâm tình với quý đồng bào thân thương ở Việt Nam. Kính nhờ quý vị phổ biến rộng rãi qua mạng lưới Internet, Emails, Website, Blogs, Paltalk, Radio.

Sau đây là phát biểu của nhà văn Mặc Giao,
cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa,
Chủ Tịch Uỷ Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.
Quý vị bấm nghe âm thanh:

 

KỶ NIỆM 30 THÁNG 4

ĐỂ XÂY DỰNG LẠI QUÊ HƯƠNG

nhà văn Mặc Giao

 
Canada ngày 25/4/2009
Kính thưa đồng bào trong nước,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày 30 tháng 4 lần thứ 34. Những người chiến thắng thì huênh hoang khoe thành tích. Nhân dân miền Nam thì buồn, vì ngày ấy đánh dấu việc chấm dứt một thời tự do, no ấm và đoàn tụ.

 Xét cho cùng, trừ những người cộng sản, nhân dân cả nước đều đã nhận ra ngày 30-4-1975 là ngày toàn thể đất nước từ Nam chí Bắc bị đặt dưới sự thống trị của chế độ cộng sản độc tài, toàn trị, trong đó mọi quyền công dân đều bị tước đoạt, như quyền tư hữu, quyền chọn người cai trị các cấp, quyền được đối xử công bằng trước pháp luật.

Các nhân quyền căn bản như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do cư trú v.v…cũng bị vi phạm trầm trọng. Việc tôn trọng các quyền căn bản của con người là điều tự nhiên, là xu thế tất yếu của nhân loại trong thế kỷ 21 này. Buồn thay, dân Việt Nam đã không được hưởng chỉ vì một tập đoàn lãnh đạo đã cướp đi tất cả.

Vì vậy, kỷ niệm ngày 30 tháng 4 không phải là khơi lại hận thù, không phải là tiếp tục cuộc chiến giữa những người Việt Nam dù tiếng súng đã chấm dứt 34 năm, nhưng là để ý thức rằng toàn dân Việt nam đã mất tất cả các thứ quyền từ ngày đó và phải tìm cách đòi lại.

Sau khi đã chiếm được cả nước, dù bằng cách cưỡng chiếm miền Nam, vi phạm Hiệp định Paris 1973 do chính họ đã ký, nếu những người lãnh đạo từ Hà Nội biết thương nước thương dân, không nô lệ chủ thuyết và làm tay sai cho đế quốc cộng sản, không coi đồng bào ruột thịt miền Nam như những kẻ bị chinh phục để khai thác, trả thù và trút căm hờn, không đuổi dân thành thị đi các vùng kinh tế mới, đúng ra là kinh tế chết, không bắt nửa triệu quân cán chánh miền Nam đầy ải trong các nhà tù được mệnh danh là các trại cải tạo, không đánh tư sản để cướp tài sản của dân lành, không kỳ thị thành phần "ngụy" dù là con nít xin đi học, thì làm gì có chuyện chia rẽ, hận thù,làm gì có việc vượt biên vì không còn đất sống, làm gì có việc cạn kiệt chất xám vì những trí thức và chuyên viên tài giỏi đã tìm cách trốn khỏi nước nếu không bị nhốt trong tù.

Nếu những người cầm quyền biết tạo điều kiện để mọi người được sống an vui và thân ái, thì việc vận động đoàn kết để xây dựng đất nước sẽ không khó, và dân tộc Việt Nam đã quy về một mối từ lâu.

Từ năm 1986, sau khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu xụp đổ, sau khi thấy nếu tiếp tục chính sách đóng cửa rút cầu với thế giới bên ngoài sẽ đưa chế độ đến chỗ tan vỡ mau chóng, đảng cộng sản VN đã quyết định đổi mới bằng cách mở cửa giao thương với mọi nước, kể cả những nước tư bản, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã từng được coi là kẻ thù không đội trời chung, đã cho phép người dân làm tư doanh, hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc tập trung tài sản theo chủ thuyết cộng sản. Bờ ngăn chặn được mở ra tới đâu thì nước sẽ tràn theo tới đó theo lẽ sinh tồn tự nhiên. Nhờ đó dân đã biết thích ứng với hoàn cảnh và được dễ thở đôi chút về phương diện kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đi song song với sự phát triển của tệ nạn tham nhũng và bất công. Có thể nói khi người dân được ăn một thì các cấp đảng được ăn mười. Tham nhũng đã trở thành một con bệnh vô phương cứu chữa vì đã thành thứ bệnh thâm căn cố đế nằm sâu trong lục phủ ngũ tạng của guồng máy đảng và guồng máy cầm quyền.

Không một việc gì từ lớn tới nhỏ được giải quyết nếu không có hối lộ và ăn chia. Tệ nạn này đã lan lây ra toàn thề xã hội. Sống lâu với bệnh trở thành quen bệnh. Vì thế tham nhũng đã trở thành một thứ "văn hóa mới" của chế độ cộng sản, nó tàn phá không những guồng máy công quyền mà còn làm băng hoại mọi tương giao xã hội.

Khi thấy có quyền là có tiền, các cấp đảng và công quyền đều ra sức bảo vệ guồng máy và chỗ ngồi của họ trong guồng máy đó. Không còn lý tưởng quốc gia dân tộc, không còn tình nghiã đồng bào, chỉ còn đàn áp thô bạo để dập tắt mọi mầm mống chống đối, chỉ còn khai thác tối đa việc móc túi của tư nhân và ăn cướp của công để làm giầu. Những vụ chiếm đất của dân oan, chiếm đất của các tôn giáo đã chứng minh điều này. Khi nhân dân và tín đồ các tôn giáo đòi lại tài sản riêng và chung của họ thì họ bị đàn áp, xuyên tạc, lôi ra tòa kết án vì những tội danh hoàn toàn khác với việc khiếu nại chính đáng của họ.

Cũng vì thấy có quyền là có mọi sự, nên đảng và nhà nước muốn kiểm soát mọi tôn giáo, đoàn thể và cả cá nhân, bắt mọi người phải đi theo "lề phải" do nhà nước đặt ra. Ai hơi nói khác, làm khác, dù là đảng viên, là lập tức bị xách nhiễu, hạ tầng công tác, bắt giam, đưa ra tòa, tống vào ngục.

Như vậy, con người sống trong chế độ Việt Nam hiện nay khác gì những kẻ nô lệ dưới những chế độ của các hôn quân bạo chúa thời xưa. Chỉ có một thứ tự do được cho phép, đó là tự do sa đọa, hủy hoại luân lý và truyền thống dân tộc, trong đó những người có quyền và có tiền nêu gương sa đọa trước tiên.

Thời gian gần đây, những người cầm quyền còn đem cả chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ để đổi lấy sự an toàn của chỗ ngồi và túi tiền của họ. Việc phản đối lấy lệ trong khi không có một biện pháp cụ thể để bảo vệ những vùng đất và biển của tổ tiên để lại, việc cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxit tại cao nguyên Trung phần, dù hàng ngàn trí thức trong nước và hàng vạn dân chúng trong và ngoài nước đã công khai lên tiếng phản đối vì việc này sẽ tàn phá môi trường, tạo cơ hội cho Trung Quốc kiểm soát vùng Tây nguyên, chứng tỏ những người cầm quyền coi trọng quyền lợi của họ hơn quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Trong trường hợp này không còn chữ nào đúng hơn để gọi việc làm của họ ngoài câu "mãi quốc cầu vinh".

Trước tình trạng đất nước như vậy, mọi con dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước không thể thờ ơ, nhắm mắt bỏ qua mọi việc để cầu sự an thân. Nếu chúng ta không ý thức được nguy cơ của đất nước và nỗi thống khổ của đồng bào thì sẽ không còn nước Việt Nam nữa, không còn dân tộc Việt Nam nữa. Một đất nước chỉ tồn tại khi có những con dân biết bảo vệ. Một dân tộc chỉ tồn tại khi có những người dân biết liên kết với nhau để bảo tồn di sản, truyền thống, văn hóa và xây dựng một tương lai chung.

Vì vậy, đừng coi việc kỷ niệm ngày 30 tháng 4 như một việc khơi lại đống tro tàn, vạch lại vết thương đã kéo da non hay để khóc than, thương tiếc. Kỷ niệm 30-4 là dịp để nhắc nhở nhau rằng từ ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, toàn thể đất nước và dân tộc Việt nam đã bị đặt dưới một chế độ cai trị tệ hại chưa từng có trong lịch sử dân tộc, và rằng bổn phận của mọi người Việt Nam, không phân biệt trong nước hay ngoài nước, Bắc hay Nam, không phân biệt tôn giáo và qúa khứ chính trị, chúng ta phải cùng nhau đòi lại quyền sống và nhân phẩm cho dân tộc Việt Nam, đòi lại chủ quyền cho đất nước, không thể để số phận của Việt Nam và 86 triệu đồng bào trong tay một nhóm người tàn ác, bất lực và tham lam.

Chúng ta đấu tranh một cách hòa bình, không làm thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào, nhưng dùng sức mạnh của quần chúng tự giác dâng lên như nước vỡ bờ để quét sạch những rác rưởi đang làm ô uế quê hương, phá tan những chướng ngại đang cản trở sự tiến bộ và tình thương yêu đoàn kết giữa các thành phần dân tộc. Muốn làm được việc này, trước hết phải làm cho người dân ý thức được quyền lợi của chính mình và quyền lợi của đất nước, đồng thời ý thức được bổn phận của mình trong việc đòi lại và bảo vệ những quyền đó. Chỉ khi nào ý thức về quyền lợi và bổn phận của người dân đạt cao độ, lúc đó chúng ta mới có thể lật ngược thế cờ.

Chúng ta không lạc quan qúa sớm, nhưng qua những cuộc đấu tranh đòi tự do và công lý của giáo dân Hà Nội, những cuộc đấu tranh kiên trì không sợ hãi của dân oan từ Nam chí Bắc bị cướp nhà cướp đất, bản lên tiếng thâu trên 2.000 chữ ký trong vài ngày của trí thức trong nước đòi hỏi nhà nước phải hủy bỏ việc khai thác bauxite ở Tây nguyên, nhất là việc Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, kêu gọi toàn dân tham gia tháng 5 phản kháng bất bạo động để đòi tự do và phản đối việc để Trung quốc khai thac mỏ bauxite, là những dấu hiệu rất khích lệ cho việc tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và chủ quyền quốc gia.

Chúng ta hãy tích cực ủng hộ và tham gia các hình thức tranh đấu này trong khi chờ đợi để phát động những hình thức tranh đấu khác. Được như thế, những ngày 30 tháng 4 tương lai sẽ không còn là những kỷ niệm đau buồn, nhưng là kỷ niệm đánh dấu một bước đấu tranh tích cực để chấm dứt một chế độ đã gây bao hệ lụy và tang tóc cho dân và nước Việt Nam suốt 60 năm qua.

 Xin thân ái kính chào đồng bào

nhà văn Mặc Giao
Canada ngày 25/4/2009

http://audio.freevietnews.com/20090425_macgiao.m3u

Để yểm trợ đồng bào quốc nội đấu tranh cứu nước, để đánh dấu ngày 30-4-1975 miền Nam rơi vào chế độ cộng sản tàn bạo, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển đến quý vị và các bạn ở quốc nội một số AUDIO chọn lọc từ Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản ở Hải Ngoại, nhận địnhtâm tình với quý đồng bào thân thương ở Việt Nam. Kính nhờ phổ biến rộng qua Internet, Emails, Website, Blogs, Paltalk, Radio.
KÍNH NHỜ PHỔ BIẾN VỀ VIỆT NAM